Quy trình trồng cây ăn quả không có bầu đất

thumbnail_giaidapviet
Rate this post

Việt Nam là một đất nước phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào lợi thế nông nghiệp, trong đó cây ăn quả được xem là thế mạnh và mang lại giá trị xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước rất lớn. Gần đây có nhiều người đã chuyển sang hình thức làm kinh tế bằng cách trồng cây ăn quả nên quy trình trồng loại cây này càng được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, mọi người rất ưa chuộng kỹ thuật trồng cây bằng bầu đất, nhưng bên cạnh đó còn có quy trình trồng cây ăn quả không có bầu đất mang lại lợi ích rất lớn cho sức khỏe cây trồng mà chúng ta nên tham khảo.

Lựa chọn đất đai

Những loại đất có thể phù hợp để trồng cây ăn quả có thể kể đến là đất đỏ, đất phù sa ven sông, đất phù sa cổ, đất cát pha thịt. Thổ nhưỡng của mỗi loại đất phù hợp với từng loại cây ăn quả khác nhau, chính vì vậy mới có đặc sản riêng của từng vùng như thanh long Bình Thuận, xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm Long Khánh… Mặc dù thế nhưng vẫn có những yêu cầu chung dành cho đất: tầng canh tác dày, độ pH nằm trong khoảng 5.5 – 7, khả năng thoát nước tốt để tránh việc ngập úng. Những khu vực thoát nước kém, hay bị ngập úng vẫn có thể cải tạo để trồng cây, vì sẽ rất phí phạm nếu như bỏ đi những vùng thổ nhưỡng màu mỡ chỉ vì tình trạng ngập nước của chúng. Cách thức cải tạo rất đơn giản: tạo những líp cao (dải gò đất cao) xen kẽ nhau và trồng cây lên những líp này, đảm bảo rằng khi nước dâng cao nhất vẫn cách gốc cây tối thiểu 1 mét.

Chọn giống cây ăn quả

Mặc dù chỉ đứng thứ tư trong bốn yếu tố quan trọng nhất khi trồng cây, nhưng ở bước chuẩn bị thì việc chọn giống có thể được cho là yếu tố hàng đầu, quyết định chất lượng và tốc độ sinh trưởng của cây về sau. Những đặc điểm của một giống cây tốt mà bạn cần chọn là:

  • Không có sâu bệnh phát triển và khả năng chống chịu sâu bệnh cao.
  • Nguồn gốc của giống cây ăn quả phải rõ ràng, nhất là các loại cây nhập khẩu như Malaysia, Thái Lan.
  • Nếu trồng bằng hạt thì phải chọn hạt to tròn, phát triển đều, không bị dị dạng.
  • Nếu trồng cây giống thì cần xem xét cây mẹ có sinh trưởng tốt và cho năng suất cao hay không.
  • Trong trường hợp phải giải quyết các bài toán kinh tế, nên chọn giống cây phù hợp với yêu cầu kinh tế đặt ra. Giống cây tốt nhất có thể cho ra sản phẩm tốt nhất nhưng chưa chắc đã mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng.

Kỹ thuật trồng

Trước khi trồng 1 tháng, tiến hành làm sạch đất bằng cách rải vôi để diệt khuẩn, đồng thời dọn cỏ xung quanh khu vực trồng để quy trình trồng cây ăn quả không bầu đất suôn sẻ hơn. Sau đó tạo các hố để trồng cây và tạo dinh dưỡng cục bộ cho cây bằng hỗn hợp: 20-30kg phân chuồng mục + 1 – 2kg super lân + 0,1kg kali + 0,3 – 0,5kg vôi bột. Mỗi loại cây ăn quả sẽ có kích thước hố trồng khác nhau. Sau khi trộn hỗn hợp trên với lớp đất mặt thì lấp lại và tưới nước nhẹ để các chất dinh dưỡng ngấm vào đất.

Đối với phương pháp trồng cây ăn quả bằng hạt, đầu tiên đem hạt trồng vào khu vực ươm với khoảng cách phù hợp, đợi đến khi hạt bắt đầu lên mầm, sau đó mang cả mầm và rễ trồng vào hố đã xử lý ở bước trên. Hãy tạo một lỗ vừa đủ trên mặt hố và đặt mầm cây nhẹ nhàng vào với phương thẳng đứng, vì mới nảy mầm nên rễ và mầm còn khá yếu, khi thân đã vào đúng vị trí thì đầm chặt đất xung quanh lại để bảo vệ bộ rễ. Đây là phương pháp truyền thống, cây được trồng từ đầu, không bỏ giai đoạn nên sẽ lâu thu hoạch hơn các cách trồng khác.

Ngoài việc trồng từ hạt, quy trình trồng cây ăn quả không có bầu đất còn có một phương pháp đơn giản hơn và cho ra trái nhanh hơn, đó là trồng bằng cây con. Phương pháp này yêu cầu rất kỹ trong khâu chọn cây con, vì số lượng rất lớn, phải xem chi tiết từng cây để đảm bảo thể chất, chủng loại và khả năng sinh trưởng của lứa cây phải tương đồng nhau. Khi mang cây con về có thể trồng ngay vào hố đã xử lý. Giai đoạn đầu cây con vẫn chưa bám rễ vào đất mới nên phải chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng. Nếu vườn của bạn là khu vực ít gió, trồng vào mùa nắng thì chỉ cần dùng một cọc gỗ cắm thẳng đứng bên cạnh cây con và cột nhẹ bằng dây nilon. Nếu là khu vực thường xuyên có gió, nên sử dụng từ 2 – 3 cọc chống xung quanh thân cây để tránh tình trạng bị bứt gốc.

Cuối cùng, rải rơm xung quanh hố trồng cây ăn quả để tránh tình trạng mất nước, lắp đặt hệ thống tưới cây tự động để luôn đảm bảo lượng nước đầy đủ cho cây, thường xuyên kiểm tra cây để cắt bỏ những nhánh mọc gần sát đất và nhánh cây bị bệnh để tránh lây lan, đồng thời kích thích cây phát triển theo chiều cao. Quá trình này cần thực hiện thường xuyên và đều đặn trong tháng đầu tiên để cây thích ứng dần với môi trường và tự tạo đề kháng cho mình.

Cách chăm sóc cây

Tưới nước

Trong thời gian đầu khi mới trồng, cần tưới nhiều nước cho cây, khoảng 3 – 4 lần/ngày, đây là giai đoạn cây ăn quả cần hấp thu nhiều nước để tạo đề kháng và phát triển bộ rễ. Khi cây đã bắt đầu phát triển ổn định thì có thể giảm số lần tưới xuống còn 1 – 2 lần/ngày nhưng lượng nước tưới mỗi lần phải tăng lên theo độ lớn của loại cây ăn quả. Ngoài việc hạn chế nước bốc hơi bằng cách ủ rơm thì cũng có thể che bằng bạt hoặc lưới quanh gốc cây. Chúng ta cũng nên chừa lại một khoảng 20cm xung quanh cây để dễ theo dõi và diệt sâu bọ gây hại.

Bón phân

Dùng cuốc tạo thành rãnh xung quanh gốc cây ăn quả, cách gốc khoảng 30cm, khi rễ cây đã phát triển dài thì có thể tăng khoảng cách rãnh. Độ sâu của rãnh có thể từ 15 – 30cm tùy thuộc và độ sâu rễ, độ rộng thì tầm 10 – 20cm vừa với lượng phân cần bón.

Liều lượng phân dành cho mỗi loại cây ăn quả và mỗi giai đoạn sinh trưởng sẽ khác nhau, nhưng công thức chung vẫn là tập trung vào phân hữu cơ đã được ủ hoai mục cùng với các loại phân khoáng vi lượng như đạm, lân, kali, hạn chế sử dụng phân urê.

Sau khi trộn hỗn hợp và cho vào rãnh thì lấp đất lại và bắt đầu tưới bằng tia nước nhẹ để hỗn hợp phân rã và ngấm vào đất mà không bị rửa trôi.

Đối với các loại cây ăn quả thông thường như cóc, ổi, lựu thì có thể bón lót cách nhau 30 ngày với lượng phân tăng dần.

Làm cỏ

Thường xuyên nhổ cỏ quanh gốc và các khu vực xung quanh vườn để hạn chế việc cỏ hút chất dinh dưỡng của cây. Tuyệt đối không dùng các hóa chất diệt cỏ hoặc đốt cỏ vì sẽ gây ảnh hưởng đến cây. Ngoài ra, để ngăn ngừa cỏ phát triển cũng có thể chọn phương pháp phủ bạt sẫm màu để hạn chế nắng, làm cỏ khó phát triển.

Xử lý ra hoa sớm

Đến mùa thu hoạch của cây ăn quả thì sản lượng sẽ tăng rất nhiều so với các khoảng thời gian khác, vì vậy giá thành nông sản sẽ bị giảm mạnh. Do vậy chúng ta nên xử lý ra hoa sớm để thu hoạch sớm hơn khoảng thời gian đó. Mỗi loại cây sẽ có cách xử lý khác nhau, đồng thời cũng tùy thuộc vào thời tiết của năm đó. Thông thường, đối với những cây trưởng thành lâu năm, chúng ta phải phun thuốc khi cây ra 1 – 2 đợt lá mới tính từ mùa thu hoạch trước, còn đối với cây đang giai đoạn phát triển thì phun thuốc khi cây ra được 2 – 3 đợt lá.

Ưu điểm của việc trồng cây ăn quả không có bầu đất

Khi trồng cây ăn quả không có bầu đất, cây con sẽ có sức đề kháng cao, dễ dàng thích ứng với môi trường hiện tại và bộ rễ cũng bám vào đất tốt hơn. Nhờ vào khả năng thích nghi tốt nên phương pháp trồng này cũng giúp cho cây ít bị sâu và ít nhiễm bệnh, lứa cây cũng phát triển đồng đều vì đã được chọn giống kỹ càng, từ đó tỷ lệ đâm hoa kết trái cũng cao hơn.

Giải Đáp Việt – Tri Thức Cho Người Việt (https://giaidapviet.com)