Tết Đoan Ngọ là một ngày lễ tết quan trọng trong truyền thống của người Việt Nam, thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hóa dân gian phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hóa.


Tết Đoan ngọ, Đoan nghĩa là mở đầu, ngọ là khoảng thời gian từ 11 giờ sáng tới 1 giờ chiều, và ăn tết Đoan ngọ là ăn vào buổi trưa. Đoan ngọ lúc mặt trời bắt đầu ngắn nhất, ở gần trời đất nhất trùng với ngày hạ chí. Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Theo triết lý y học Đông phương thì hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan ngọ đều lên đến tột bậc.

Ở Việt Nam còn gọi Tết Đoan ngọ là Tết diệt sâu bọ, là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng. Nếu không diệt trừ sâu bọ sâu bọ sẽ làm hỏng mùa màng nên phải cúng Tết Đoan ngọ.

Không những thế, cứ vào tháng 5, thời tiết oi bức là con người hay ốm đau. Do đó, cúng Tết Đoan ngọ có 2 nhiệm vụ: Bảo vệ sức khỏe khỏi ốm đau và ăn hoa quả như thụ lộc, thụ hưởng thành quả lao động. Từ đó những loại như rượu nếp, mận, vải có chức năng diệt các loại sâu bọ.

Theo đó, quan niệm dân gian xưa cho rằng, trong hệ tiêu hóa thường có sâu bọ, nếu không trừ đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tai hại. Tuy nhiên, việc tiêu diệt chúng không phải thời gian nào cũng có thể làm được. Chỉ có ngày mùng 5 tháng 5 Âm Lịch hằng năm chúng mới ngoi lên, là cơ hội để trừ khử.

Do đó, để diệt sâu bọ hiệu quả thì sau khi ngủ dậy ăn một bát rượu nếp để sâu bọ say, rồi ăn vải, mận, đào… hay bất cứ loại quả chua nào phổ biến trong mùa này để giết sâu bọ.


Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có cách diệt sâu bọ khác nhau. Ở nhiều địa phương ở ven biển đúng giờ ngọ đi tắm biển như một cách xua đuổi bệnh tật. Trong khi nhiều gia đình Miền Bắc tránh ăn đồ ngọt vào ngày này vì cho rằng sâu bọ thích vị ngọt thì ở Nam Trung Bộ và Miền Nam Việt Nam, bánh tro đã trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan ngọ.