Với nền nhiệt do tác động biến đổi khí hậu hiện nay, thời tiết mùa hè tăng nhiệt theo từng năm, và giao động trên dưới 40°C. Và có bao giờ bạn tự hỏi, con người có ngưỡng chịu đựng sức nóng ở giới hạn nào không? Hãy cùng Giải đáp Việt tìm hiểu điều đó nhé!


Theo các chuyên gia, khoa học ngày nay chưa thể tìm ra mức chịu đựng ấy. Bởi lẽ, con người sở hữu cơ chế tiết mồ hôi tuyệt đỉnh. Chừng nào cơ thể còn tiết được ra mồ hôi, thân nhiệt chúng ta còn được giữ nguyên ở mức 37°C và ta sống khỏe dù nhiệt độ bên ngoài lên tới cả trăm độ C. Tuy nhiên, thực tế không bao giờ xảy ra hoàn toàn như vậy. Nếu nhiệt độ ngoài trời duy trì ở mức 55°C và độ ẩm cao kéo dài thì thân nhiệt sẽ tăng dần dần tới mức vượt quá giới hạn của chịu đựng.

37,8 độ C – ngưỡng lười của bộ não

Ở khoảng thời gian đầu khi cơ thể “bắt nhịp” với nhiệt độ 37,8 độ C, trung ương thần kinh bắt đầu cảm thấy khó chịu và hoạt động khó khăn hơn. Đó là lý do vào những ngày nóng bức, con người thường trở nên lười hơn và chỉ muốn nghỉ ngơi. Nhiệt độ càng tăng, não càng chán làm việc và chỉ thích “ngủ”. Ngoài ra, cơ thể cũng tiết ra mồ hôi – dung dịch bao gồm natri, kali, canxi, magie và một vài chất khoáng khác. Mồ hôi bốc hơi nhanh giải phóng bớt nhiệt trong cơ thể.

38 độ C – mồ hôi chảy như thác đổ

Ở mức nhiệt 38 độ C, cơ thể bạn gặp phải hiện tượng tăng nhiệt, các tuyến mồ hôi lúc này sẽ mở toang và bạn sẽ đổ mồ hôi ầm ầm. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến, cơ thể bạn sẽ lâm vào tình trạng thiếu muối và khoáng chất nghiêm trọng, dẫn tới tụt huyết áp. Đây là lúc cơ thể báo cho bạn biết bạn cần uống nhiều nước có chứa natri.

38,5 độ C – toàn cơ thể đình công đòi “ốm”

Nhiệt độ lúc này trở nên quá nóng với cơ thể người. Tới mức này, bạn sẽ bắt đầu có cảm giác đau đớn và nóng rát trên bề mặt da. Đó là bởi nhiệt độ cơ thể cao đang tự khiến cho mồ hôi bay hơi. Đồng thời, môi bắt đầu sưng và mặt bắt đầu nổi ban đỏ. Máu sẽ ở rất gần bề mặt da do lượng nước trong cơ thể giảm nghiêm trọng. Lời khuyên lúc này là bạn không được đứng dậy đột ngột nếu không muốn đột quỵ vì huyết áp giảm mạnh. Lượng oxy tới não chậm hơn bình thường khiến bạn cảm thấy buồn nôn và chóng mặt.

39,5 độ C – những nỗ lực làm mát cuối cùng

Cơ thể lúc này sợ hãi và đau đớn. Hơi thở, nhịp tim đều tăng và não điều khiển miệng ngáp một cách vô thức nhằm hít không khí để làm mát cơ thể. Nếu trong lúc này, không khí đang nóng hoặc có độ ẩm cao khiến cho mồ hôi không thể bay hơi được, có thể bạn sẽ chết vì kiệt sức. Mặt khác, đây cũng là thời điểm con người rơi vào trạng thái hoảng loạn. Và dù có uống nước liên tục thì tình hình cũng sẽ không được cải thiện. Sự chênh lệch nồng độ sẽ khiến nước ngấm thẳng vào máu ngày một nhiều, pha loãng lượng natri còn lại trong cơ thể, gây sưng não và làm bạn hôn mê.

40 độ C – não mất phương hướng hoàn toàn

Các nhà khoa học gọi thân nhiệt người từ 40 độ trở lên là “vùng chết”. Lúc này, nhận thức suy giảm nghiêm trọng tới mức bạn không thể nghĩ ra điều phải làm bây giờ là hạ thân nhiệt xuống thật nhanh. Chức năng cân bằng nhiệt tự nhiên của hồi hải mã (hypothalamus) trở nên không còn tác dụng. 40 độ C cũng là nhiệt độ phân giải protein vì thế tổn thương mô là điều tất yếu sẽ xảy ra. Những gì bạn có thể hy vọng là một đội y tế cứu hộ có thể làm mát bạn bằng những thiết bị chuyên dụng. Hoặc một người qua đường nào đó sẽ quạt mát, chườm lạnh, cho bạn chút nước muối, đó là hi vọng sống sót mong manh nhất của con người ở ngưỡng này.

42 độ C – tình hình không thể cứu vãn

Gần như sẽ không thể cứu được bạn tại nhiệt độ này, bởi ở 42 độ C, các protein bắt đầu biến chất và không thể phục hồi, điều này giống như khi bạn cho trứng vào chảo rán.  Đây cũng là lúc các cơ – đặc biệt là cơ tim, cơ hô hấp – bắt đầu ngừng hoạt động. Máu trong cơ thể cũng sẽ đông lại, không thể cung cấp oxy cho não được nữa. Lúc này chúng ta sẽ hôn mê và dần đi vào cõi chết. (Nguồn: Feveredmutterings, Wikipedia, BBC)


Thế nhưng đã có người tiến hành thí nghiệm để xác định nhiệt độ cao nhất mà cơ thể người có thể chịu đựng được. Họ nhận thấy trong không khí khô ráo, nếu tăng nhiệt độ thật từ từ thì cơ thể chúng ta chẳng những có thể chịu đựng được nhiệt độ sôi của nước (100 độ C), mà đôi khi còn chịu được cao hơn nữa, đến 160 độ C. Hai nhà vật lý người Anh Blagơden và Tsentơri đã chứng minh điều này bằng cách đứng hàng giờ trong lò nướng bánh mì nóng bỏng.

Tại sao con người có năng lực chịu nóng cao đến vậy? Đó là vì trên thực tế, cơ thể người không tiếp nhận nhiệt lượng đó, mà vẫn giữ thân nhiệt gần với nhiệt độ tiêu chuẩn. Cơ thể chúng ta chống cự bằng cách đổ mồ hôi. Khi mồ hôi bay hơi, nó sẽ hút rất nhiều nhiệt ở lớp không khí dính sát với da, và làm cho nhiệt độ của lớp không khí ấy giảm đi rất nhiều.

Điều kiện cần thiết duy nhất giúp cho cơ thể người chịu đựng được nhiệt độ cao là cơ thể người không tiếp xúc trực tiếp với nguồn nhiệt và không khí phải khô ráo. Ở Trung Á, trời nóng 37 độ mà vẫn tương đối dễ chịu. Nhưng nếu ở Saint Peterburg nóng 24 độ thì chúng ta đã cảm thấy khó chịu. Nguyên nhân là độ ẩm không khí ở Saint Peterburg cao, còn ở Trung Á thì rất ít mưa, khí hậu vô cùng khô ráo.