6 lưu ý để có chậu hoa Dạ yến thảo bền, đẹp đón Tết

6 lưu ý để có chậu hoa Dạ yến thảo bền, đẹp đón Tết
Rate this post

Dạ yến thảo là loại hoa hàng năm nghĩa là cây chỉ ra hoa trong một năm rồi tàn lụi. Tuy nhiên, Dạ yến thảo không chỉ ra hoa một lần rồi tàn mà cây ra hoa thành nhiều đợt, hết đợt này đến đợt khác. Nếu khéo chăm sóc và chú ý sẽ có được những chậu hoa Dạ yến thảo đẹp và bền lâu.

Bài viết này sẽ không chỉ hướng dẫn cách trồng hoa Dạ yến thảo ở giai đoạn cây con mà chúng tôi sẽ đưa ra những lưu ý quan trọng khi chăm sóc hoa Dạ yến thảo ở giai đoạn cây trưởng thành. Đây là những lưu ý hết sức quan trọng, đã được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho không chỉ những người chơi hoa mà ngay cả những người trồng hoa có thêm kiến thức trong việc chăm sóc loại hoa dễ mà khó như Dạ yến thảo.

1. Chọn mua cây đúng loại

Hoa Dạ yến thảo có 3 dạng cây là dạng đứng, dạng rủ và dạng leo. Ở Việt Nam chủ yếu là dùng dạng đứng và rủ. Khi chọn mua cây, không nhất thiết phải chọn cây to, sai hoa mà chỉ cần mỗi cây nở một vài bông để nhận màu là được. Với loại rủ, chọn cây cành mập, khỏe, khoảng cách giữa cặp lá không quá 5-7 cm. Không nên chọn mua cây già tuổi vì Dạ yến thảo là cây hàng năm, chọn cây càng già tuổi thì càng nhanh tàn.

2. Đặt cây ở vị trí thích hợp

  • Ánh sáng: Dạ Yến Thảo là cây ưa sáng, cây ra nhiều hoa khi có đủ ánh sáng, thiếu sáng cây chỉ phát triển cành, lá mà không ra hoa. Tuy nhiên, ánh sáng trực xạ dễ làm cây bị héo do mất nước, hoa nhạt màu. Do đó, nên chọn vị trí đặt chậu cây ở nơi hưởng nắng buổi sáng, tránh nắng trưa và chiều. Tránh đặt chậu cây nơi có gió lớn, cây hoa dễ bị tổn thương.

    Nên trồng cây ở ban công hoặc tường rào, nơi có nhiều ánh sáng.

  • Độ ẩm: Dạ yến thảo không chịu được úng. Vì vậy, cần đặt chậu hoa ở nơi không bị mưa trực tiếp dội vào. Nếu trời mưa to, cần “di dời” cây vào trong nhà để đảm bảo cây và hoa được tươi lâu hơn.

  • Thông thoáng: Vị trí đặt chậu cây cũng cần phải thông thoáng để tránh cây bị thối nhũn.

3. Tưới nước hợp lý

  • Tưới nước thường xuyên và vừa phải, không nhiều quá nhưng cũng không để đất khô quá. Cần kiểm tra đất trước khi tưới. Chỉ tưới khi thấy đất bề mặt chậu hơi khô.

  • Nên tưới nước vào buổi sáng (từ 6-7 giờ), không nên tưới vào buổi chiều tối.

  • Lưu ý khi tưới đừng để đọng nước trên lá để tránh làm lá bị thối.

  • Tưới nước cũng cần căn cứ vào thời tiết và nhu cầu của cây. Cây càng lớn hoặc thời tiết càng nắng nóng thì sẽ càng cần nhiều nước tưới. Mùa nồm ẩm thì khoảng cách tưới ít hơn.

  • Không để cây héo rũ rồi mới tưới nước. Do Dạ yến thảo có lá mỏng, hoa nhiều, thân rỗng nên lúc này có bổ sung nước thì cây cũng sẽ rất khó phục hồi lại.

4. Bón phân “4 đúng”

  • Sử dụng phân NPK tổng hợp có tỷ lệ N:P:K là 1:1:1, ví dụ như phân Đầu Trâu 13-13-13+TE hoặc NPK Việt Nhật 15-15-15. Ngoài ra, có thể bón đan xen phân hữu cơ sinh học như dịch trùn quế, phân cá vi sinh cho cây. Khi cây già cỗi có biểu hiện lá nhỏ, cành gầy, sắc hoa không thắm, cần bổ sung thêm phân giàu đạm.

  • Hòa loãng phân với nước rồi tưới, không bón phân hạt trực tiếp lên chậu. Liều lượng pha phân: 100g/10 lít nước. Tưới xung quanh gốc, tránh tưới lên lá làm cháy lá. Định kỳ tưới phân 5-7 ngày/lần.

  • Ngoài ra, cần phun bổ sung một số chế phẩm dinh dưỡng để kéo dài tuổi thọ hoa như phân bón lá HVP-B1 hoặc Rong biển 95%, các loại phân bón lá Đầu Trâu (501, 701 và 901). Phun định kỳ 7 ngày/lần, vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

5. Cắt tỉa cây đúng cách

  • Khi đường kính cây tỏa ra khoảng 15 cm thì cần tỉa cành và cắt nhánh thường xuyên để kích thích cây tăng trưởng, đâm chồi đẻ nhánh, ra hoa nhiều.

  • Sau khi hoa nở, cần ngắt bỏ cả cuống hoa thì chồi nách sẽ phát triển và hoa tiếp tục nở.

  • Để hoa có thể chơi lâu hơn, cần lưu ý ngắt các nhánh già để cây đẻ thêm nhánh mới. Cây Dạ yến thảo có hiện tượng bị hói gốc, đó là khi thân đổ ngang và rủ dài, các lá sát gốc sẽ tự héo và rụng hết để trơ ra phần thân và đất nhưng cành vẫn sai hoa. Đó là biểu hiện cây bắt đầu già và nhanh tàn. Do vậy, phải cắt bỏ các cành mọc dài và bắt đầu hói gốc, chú ý để lại phần chồi cành mới ở gốc cành cũ.

  • Thường xuyên ngắt các hoa héo, lá vàng úa, cành khô để tránh cây bị úng.

6. Chú ý quan sát sâu, bệnh hại cây

  • Nguyên tắc: Phòng bệnh hơn chữa bệnh.

  • Phòng sâu, bệnh:

    • Tạo môi trường thông thoáng cho cây sinh trưởng, phát triển.

    • Thường xuyên ngắt bỏ hoa héo, lá khô, già úa.

    • Không để chậu trồng quá ẩm, phun bón quá nhiều phân.

    • Không tưới nước vào chiều tối.

  • Trừ sâu, bệnh: Bắt sâu bằng tay hoặc sử dụng bẫy. Đối với bệnh hại, nên phát hiện ở giai đoạn sớm và sử dụng thuốc trừ bệnh sinh học để phun, không nên sử dụng sản phẩm hóa học.

Nguồn: Tạp chí Việt Nam hương sắc

Hãy ghé thăm Giải Đáp Việt – Tri Thức Cho Người Việt để tìm hiểu thêm những thông tin hữu ích cho cuộc sống hàng ngày của bạn.