Những ngày này, thời tiết ở miền Bắc Việt Nam đang se lạnh nhiệt độ chỉ dao đông từ 18 – 23°C và theo cách mà dân gian gọi thì đây là “Rét nàng Bân”, đợt rét cuối cùng của mùa đông xảy ra vào tháng 3 âm lịch. Sau nhiều ngày ấm áp, thậm chí nóng oi tới 32-33 độ C, người dân không khỏi xuýt xoa vì rét nàng Bân ùa về.

Nguồn gốc tên gọi “Rét nàng Bân”

Trong dân gian có câu “Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân” – đó là câu tục ngữ quen thuộc về nét đặc biệt có lẽ chỉ tìm thấy ở khí hậu miền Bắc. Nếu như tháng 1 se lạnh với những cơn mưa phùn thanh nhẹ, tháng 2 đẹp duyên dáng trong sắc hoa xuân tươi tắn thì rét nàng Bân lại là sự kì diệu của tạo hóa ưu ái ban tặng cho tháng 3, khi mà thời tiết đột nhiên trở lạnh ngay giữa những ngày nắng liên tiếp.

Tháng Giêng, tháng Hai thì đã rõ, là cái rét còn sót lại của năm cũ, mùa đông… Cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa mới chớm vào nụ, nắng lên hẳn sẽ bị héo tàn. Thế nhưng, đến tháng Ba, hà cớ chi lại còn rét thêm nữa?

Chắc phải có nguyên do nào đây, bởi vì dân gian vẫn cho rằng, trời đã làm gì, đã sinh ra cái gì, tất cả đều phải cân nhắc kỹ càng, chứ chẳng thể có những chuyện bỗng dưng vô cớ được. Phải chăng cái tên gọi rét nàng Bân cũng từ đó mà ra.

Sự tích nàng Bân



“Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng trọn mới ròng cổ tay”

Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng, nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng vẫn được cha mẹ yêu chiều. Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình. Chồng nàng Bân cũng là một người trên thế giới nhà trời.

Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn. Nhưng nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay… Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng buồn lắm.

Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện, Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân”.

Một câu chuyện thật cảm động và ý nghĩa. Nó lý giải vì sao rét tháng ba còn được gọi là rét nàng Bân.

Thời tiết của rét nàng Bân thường

Năm nào cũng vậy, mỗi khi rét tháng 3 đến thì kéo theo đó là nhiều hiện tượng thời tiết khác tố lốc, mưa đá. Vì vậy, bạn nên thận trọng và tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương đến độ tháng 3 âm lịch, bộ phận không khí lạnh đã tiến gần đến biên giới phía Bắc nước ta.

Bạn cần làm gì để tránh bị ốm khi rét nàng Bân về?

Thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh rất dễ làm cho bạn bị ốm. Vậy làm thế nào để tránh những tác hại tiêu cực này. Dưới đây sẽ là những gợi ý giúp bạn có thể bảo vệ sức khỏe tránh khỏi  những tác nhân của thời tiết thất thường.

Giữ ấm cơ thể

Sự thay đổi đột ngột của thời tiết từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng đều có thể khiến cơ thể bạn gặp rắc rối. Các chuyên gia y tế cho biết trạng thái thay đổi nhiệt độ cơ thể một cách đột ngột dưới tác động của thời tiết là trạng trái cực kỳ nguy hiểm có khả năng dẫn tới tử vong do sốc nhiệt.

Bởi vậy, khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh việc đầu tiên bạn cần làm là giữ ấm cho cơ thể. Vào những ngày trời rét, bạn cần mặc ấm, khi đi ra ngoài nên mặc quần áo chống gió, cài chặt khuy áo, kéo khóa và cũng đừng quên đeo găng tay, quàng khăn, đội mũ, bịt tai nữa nhé.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Để chống lại bệnh tật, tăng cường sức đề kháng trong những ngày thời tiết thay đổi hoặc chuyển rét đột ngột bạn nhất thiết phải có cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên ngoài việc tăng cường ăn rau xanh, trái cây để nâng cao sức đề kháng, bạn nên ăn thêm các loại gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… vì các loại gia vị này giúp giữ ấm rất tốt, giải cảm, kích thích tiêu hóa.

Tránh ăn, uống các đồ lạnh và đồ uống có cồn

Vào những ngày trời trở rét, bạn cần tránh đồ ăn, thức uống lạnh và đồ có cồn. Hãy nhớ, nước lạnh, đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn.