Trong số chúng ta, nhiều người sẽ thấy lạ về việc sao lại thả thêm muỗi vào môi trường để tiêu diệt muỗi? Chúng ra và tấn công các cá thể khác sao? Không, không phải như vậy, đây là một phương pháp đang được nghiên cứu với mục đích kiểm soát các quần thể muỗi, hạn chế dịch bệnh cho con người do muỗi là tác nhân lây truyền. Tuy nhiên, phương pháp này thực ra là gì và chúng có lợi hại như thế nào? Hãy cùng Giải Đáp Việt tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!
Trước khi đi vào phân tích xem lợi hại của phương pháp này như thế nào, chúng ta trước tiên phải cùng nhau làm rõ về phương pháp này đã nhé.
THẢ MUỖI ĐỂ DIỆT MUỖI NHƯ THẾ NÀO?
Để làm được việc này, không đơn thuần là chúng ta thả một số muỗi ra ngoài tự nhiên mà đây là những con muỗi đực đã được làm thay đổi bộ Gen để phục vụ mục đích nhất định và thường là ngăn chặn việc sinh sôi nảy nở của quần thể muỗi.

Cụ thể, muỗi đực biến đổi gen sẽ mang trong mình một bộ gen mà khi nó giao phối với muỗi cái, các cá thể muỗi con được sinh ra sẽ rất ít trong số chúng sống sót được đến tuổi trưởng thành do mang trong mình một bộ gen bị lỗi. Ước tính, chỉ có khoảng 3 – 5% số muỗi con được sinh ra là có thể sống sót.
LỢI BẤT CẬP HẠI?
Mới nghe thì thấy phương pháp này có vẻ rất tốt trong việc kiểm soát và tiêu diệt dần các quần thể muỗi gây bệnh, tuy nhiên, sự thực chưa hẳn như vậy, vẫn còn rất nhiều nghi vấn và những luồng ý kiến trái chiều với phương pháp này. Và kết quả của thử nghiệm thực tế cũng đã cho thấy điều đó.
Trong 27 tháng, từ đầu năm 2013, Công ty Oxitec đã thả gần nửa triệu con muỗi đực biến đổi gen mỗi tuần vào quần thể muỗi tự nhiên tại Jacobina, cá thể muỗi đực biến đổi gen này có mã là OX513A. Theo nghiên cứu và dự tính ban đầu, việc thả số muỗi này vào tự nhiên sẽ không ảnh hưởng và cũng không gây rủi ro gì cho con người vì muỗi đực không hút máu người và động vật mà chỉ hút mật hoa.
Kết quả trong 18 tháng đầu tiên là rất khả quan, ước tính có khoảng 60% số lượng muỗi trong khu vực đã mang trong mình bộ gen đã bị biến đổi và chỉ có 3 – 4% muỗi con có thể tồn tại đến tuổi trưởng thành.
Tuy nhiên, sau 18 tháng, câu chuyện bắt đầu trở nên khó khăn hơn khi số lượng muỗi trong khu vực bắt đầu tăng lên và gần như chạm mốc ban đầu khi mới bắt đầu thí nghiệm. Kết quả xấu này là do các con muỗi cái tại quần thể muỗi đã tìm cách để nhận biết và tránh việc giao phối với những con muỗi đực đã bị biến đổi gen.
Sau khi thu thập được những kết quả không mấy khả quan, đã có rất nhiều sự lo ngại trong việc thả số lượng lớn muỗi biến đổi gen vào tự nhiên. Một trong số đó là lo lắng về việc sẽ tạo ra một loại muỗi mới có sức mạnh và độ nguy hiểm cao hơn trước.
Không chỉ vậy, số lượng cá thể con với tỉ lệ sống sót 3 – 4% vẫn có khả năng sinh sản và dần khiến quần thể muỗi tại Jacobina trở nên đa dạng đặc điểm di truyền và gây khó khăn trong việc kiểm soát cũng như lo ngại các chủng muỗi lai tạp mạnh mẽ hơn sẽ xuất hiện. Nhiều trung tâm nghiên cứu đã đưa ra chứng minh, việc thả các sinh vật biến đổi gen vào tự nhiên có thể gây ra những hậu quả khó lường.