Xin chào!
Rất vui khi được gặp lại các bạn trong số tiếp theo của Giải Đáp Việt về chủ đề Marketing.
Và để tiếp nối cho chuỗi nội dung này, chúng ta cùng đi tìm hiểu về những kênh truyền thông trong Marketing và nhưng ngộ nhận về vấn đề này.
Trước khi vào nội dung, đừng quên like, share, đăng ký kênh cũng như nhấn chuông để khám phá kiến thức bổ ích mỗi ngày cùng Giải Đáp Việt nhé.
Trong thời kỳ công nghệ bùng nổ, bạn có thể tiếp cận với rất nhiều kiến thức trên Internet một cách vô cùng đơn giản. Chỉ bằng việc đơn giản là lên Google tìm kiếm, bạn sẽ nhận lại rất nhiều bài viết về vấn đề mà bạn đang quan tâm.
Tuy nhiên, vấn đề gặp phải ở đây là tính nhất quán cũng như sự chính xác của thông tin đôi khi không được đảm bảo. Chính vì vậy, rất nhiều khái niệm bị hiểu sai hoặc chưa thực sự đầy đủ. Đây cũng chính là mục đích mà Giải Đáp Việt ra đời, sứ mệnh của chúng tôi là nghiên cứu, tổng hợp để đưa đến cho bạn những kiến thức tổng quát và chính xác nhất về rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Hãy theo dõi chúng tôi thường xuyên để khám phá kiến thức bổ ích mỗi ngày nhé!.
Quay trở lại với chủ đề của bài viết, khái niệm kênh truyền thông trong Marketing hiện nay đang bị hiểu sai và bị định nghĩa thành các phương tiện truyền thông.
Không khó để bắt gặp các bài chia sẻ rằng 7 hay 8 kênh truyền thông phổ biến ở Việt Nam như: Social Marketing, Search Engine Marketing, Email Marketing… . Tuy nhiên, đây không phải là kênh truyền thông mà thực tế nó chỉ là phương tiện để giúp chúng ta truyền thông.
Để bạn hiểu rõ, thế nào là kênh và phương tiện truyền thông, chúng ta sẽ tìm hiểu điểm khác nhau giữa chúng ngay bây giờ nhé.
Kênh truyền thông có thể hiểu đơn giản là con đường và cách thức mà chúng ta sử dụng để truyền đi thông điệp mà mình mong muốn. Tuy nhiên, phương tiện truyền thông lại là nơi có sự hiện diện của khách hàng tiềm năng và chúng ta truyền đi thông điệp của mình thông qua những công cụ này mà thôi.
Ví dụ: chúng ta triển khai quảng cáo trên Facebook, Zalo, YouTube,… thì đây là các phương tiện chứ không phải kênh truyền thông trong Marketing.
Điểm khác biệt thứ hai là, kênh truyền thông thì cố định, tức là chúng tồn tại mãi mãi và luôn luôn song hành với Marketing. Ở mặt khác, phương tiện truyền thông sẽ xuất hiện thêm mới hoặc mất đi theo thời gian.
Chẳng hạn, khi lượng người sử dụng Zalo tăng lên, chúng ta có phương tiện truyền thông mới là Zalo Ads. Nhưng đến một ngày, nếu không còn Zalo nữa, phương tiện đó sẽ biến mất và thay thế vào đó là phương tiện khác.
Vậy, chính xác thì có bao nhiêu kênh truyền thông và chúng là những gì?
Trả lời cho câu hỏi này, Giải Đáp Việt xin khẳng định với bạn rằng, chúng ta chỉ có 3 kênh truyền thông chính trong Marketing và nó tồn tại từ khi khái niệm này ra đời cho đến ngày nay.
Những kênh đó là gì? Thứ nhất là Owned Media, tiếp theo là Paid Media và cuối cùng là Earned Media. Ngay sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết về từng kênh truyền thông này nhé.
1 – Owned Media
Đây là kênh truyền thông đầu tiên và cơ bản nhất trong Marketing. Hiểu một cách đơn giản, đây là tổ hợp của những phương tiện truyền thông mà chúng ta sở hữu và làm chủ được nó.
Lấy ví dụ để chúng ta hiểu thì Website, Fanpage Facebook, YouTube Channel của chúng ta sở hữu chính là Owned Media. Chúng ta xây dựng nó và hoàn toàn làm chủ được những gì mà chúng ta muốn khách hàng đón nhận từ mình.
Hạn chế của kênh này là khả năng tiếp cận chậm và ở trong phạm vi hẹp. Nếu bạn muốn gia tăng khả năng tiếp cận tới khách hàng bằng kênh này thì chúng ta thực sự phải đầu tư cả tiền bạc lẫn thời gian cho nó.
Đổi lại, đây lại là một kênh truyền thông bền vững và có hiệu quả rất tốt trong một chiến dịch Marketing. Owned Media cũng là khởi nguồn cho những kênh truyền thông tiếp theo mà chúng ta sẽ đề cập tiếp ngay sau đây.
Tuy có nhiều hạn chế, nhưng Owned Media là một kênh đóng vai trò quyết định trong việc chiến dịch Marketing của bạn thành công đến như thế nào.
Chẳng hạn, chúng ta đầu tư một khoản tiền để xây dựng một Website cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, bạn không dành nhiều công sức nhằm tối ưu và chau chuốt cho nó mà chỉ chú trọng đến việc quảng cáo Website đó đến với khách hàng. Điều này sẽ không mang lại cho bạn nhiều kết quả vì đơn giản là khi khách hàng vào Website của bạn, họ không cảm nhận được tâm huyết, sự đầu tư vào sản phẩm dịch vụ. Từ đó, điều này làm cho giảm sự tín nhiệm của khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ và dẫn đến họ không quyết định mua nó.
2 – Paid Media
Paid Media là kênh tiếp theo trong số 3 kênh truyền thông của Marketing. Hiểu đơn giản thì đây chính là quảng cáo, bạn sử dụng các phương tiện truyền thông như Facebook Ads, Google Ads, Zalo Ads,… để truyền đi thông điệp của mình đến với khách hàng tiềm năng và bạn sẽ trả phí cho việc đó.
Ưu điểm của kênh này là tốc độ và khả năng tiếp cận đến khách hàng tiềm năng của mình. Gần như ngay lập tức sau khi bạn setup quảng cáo và được duyệt, quảng cáo của bạn đã được phân phối đến với đối tượng mục tiêu mà bạn nhắm tới.
Bạn có thể tiếp cận hàng triệu người trong thời gian rất ngắn, đổi lại khi bạn hết ngân sách cho quảng cáo, bạn thực sự biến mất khỏi tầm mắt của khách hàng và đấy là nhược điểm của kênh này.
Ngoài ra, mức độ tin tưởng của khách hàng vào quảng cáo thường sẽ không nằm ở mức cao. Vì vậy, kênh quảng cáo cần rất nhiều các yếu tố bổ trợ nếu muốn nó đem về hiệu quả như bạn mong đợi.
3 – Earned Media
Đây là kênh cuối cùng trong 3 kênh truyền thông trong Marketing và cũng là kênh đang bị hiểu nhầm về khái niệm của nó. Trên nhiều nội dung chia sẻ về kênh này, người ta định nghĩa Earned Media là hoạt động PR (viết tắt của Public Relation – tạm dịch là quan hệ công chúng).
Trên thực tế, Earned Media không phải là PR, nó là kênh truyền thông đại diện cho việc người khác nói về bạn như thế nào. Với Owned Media là bạn nói về chính bạn, Paid Media là bạn sử dụng tiền để truyền đi việc đó một cách nhanh chóng hơn thì Earned Media lại là ở thái cực đối lập đó là người khác nói về bạn.
Điều này có thể đến từ báo chí, người nổi tiếng và quan trọng nhất là đến từ chính khách hàng của bạn.
Khi họ cảm thấy phấn khích hoặc tin tưởng vào sản phẩm, dịch vụ của bạn, rất có thể họ sẽ chia sẻ về điều đó hoặc nhắc tới khi có người khác hỏi về ngành hàng của bạn.
Lấy ví dụ để bạn dễ hình dung như sau: khi một ai đó hỏi tôi, nên mua laptop gì? Chắc chắn rằng trong phần lớn trường hợp tôi sẽ bảo họ mua Surface (một thương hiệu của Microsoft) vì đơn giản, sau rất nhiều năm gắn bó với sản phẩm này tôi vẫn cảm thấy phấn khích với nó.
Một trong những lý do mà trong các bài chia sẻ người ta nói có 4 kênh truyền thông trong Marketing. Kênh thứ tư được đề cập đến ở đây là Shared Media. Tuy nhiên, nó đã bao hàm trong Earned Media nên không được xem là một kênh của Marketing.
Trên đây, Giải Đáp Việt đã cùng bạn khám phá về 3 kênh truyền thông trong Marketing. Tuy là 3 kênh truyền thông riêng biệt, tuy nhiên cách mà nó hoạt động thì có sự liên kết và tương tác vô cùng mạnh mẽ với nhau. Chính vì vậy, dù chỉ tập trung vào một kênh nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không mang lại được kết quả thực sự tốt. Hãy tận dụng sức mạnh của việc truyền thông đa kênh và kết hợp các kênh này với nhau một cách nhuần nhuyễn, Giải Đáp Việt tin rằng bạn sẽ đạt được kết quả tốt hơn cả mong đợi. Và nếu bạn quan tâm đến nội dung này, Giải Đáp Việt sẽ có bài viết tiếp theo để nói về cách chúng ta phối hợp tốt 3 kênh truyền thông này để đem lại một chiến dịch Marketing thành công cho bạn hoặc thương hiệu của bạn nhé!
Bạn vừa xem xong video: kênh truyền thông trong Marketing và các ngộ nhận về nó. Nếu bạn thấy nội dung video này bổ ích, đừng quên like, share, đăng ký kênh và nhấn chuông để khám phá kiến thức bổ ích mỗi ngày nhé.
Nếu bạn thấy nội dung này không hay, đừng ngần ngại, hãy nhấn dislike và để lại ý kiện của bạn ở mục comment để chúng tôi sẽ điều chỉnh những nội dung cho phù hợp với bạn hơn trong tương lai nhé!
Xin chào và hẹn gặp lại!