Tết Trung Thu Việt Nam xưa và nay

thumbnail_giaidapviet
Rate this post

Tết Trung Thu tại Việt Nam không biết có tự bao giờ, không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích của ngày lễ rằm tháng Tám. Nhiều người cho rằng đây là một nét văn hóa du nhập từ Trung Quốc trong thời gian Việt Nam bị phương Bắc đô hộ nhưng chưa có tài liệu sử sách chính xác nào đề cập đến. Chỉ biết một điều rằng Tết Trung Thu đã có ở nước ta từ tự thuở đời nào rồi, và nó có sự biến đổi liên tục qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thời gian.

Hấp dẫn của Tết Trung Thu xưa

Truyền thuyết kể rằng, vào đêm khuya rằm tháng tám, gió mát, trăng tròn thật đẹp, trong khi ngự chơi ngoài thành, nhà vua gặp một vị tiên giáng thế trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết. Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu chám mặt đất, và nhà vua trèo lên cầu vồng đi đến cung trăng và dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, vua luyến tiếc cảnh cung trăng đầy thơ mộng, nhà vua đặt ra tết Trung Thu. Trong ngày tết này, lúc đầu chỉ uống rượu trông trăng nên còn gọi là Tết Trông Trăng.

Điều hấp dẫn đối với lũ trẻ là đứng nhìn những người thợ đóng bánh ngoài quầy tạo nên những âm thanh rộn ràng khi khuôn bánh gõ mạnh trên mặt bàn theo những nhịp điệu khoan nhặt rất đặc trưng trên đường phố. Những cửa tiệm quanh chợ bắt đầu trang trí, bày biện các mặt hàng để sửa soạn cho Tết trung thu. Đám con trẻ thời ấy háo hức lạ kỳ với Tết trung thu, chúng bị cuốn hút bởi các thú vui truyền thống, mộc mạc nhưng tinh tế của dịp lễ cổ truyền này.

Tết Trung Thu

Bánh trung thu xưa và nay

Một cửa hàng bánh trung thu thời xưa, nay chỉ còn là dĩ vãng. Bánh Trung thu truyền thống, và đúng vị nhất, bao giờ cũng chỉ đơn giản là bánh nhân hạt sen một lòng trứng. Và bánh này luôn được tăng vị bằng trà ướp sen. Những cửa tiệm quanh chợ bắt đầu trang trí, bày biện các mặt hàng để sửa soạn cho Tết trung thu. Còn thời nay, có đủ loại bánh trung thu được biến tấu với đa dạng nhân bánh như trà xanh, rau câu, vi cá, hạt điều,…đáp ứng nhu cầu của thực khách.

Bánh trung thu

Đèn trung thu xưa và nay

Đèn lồng, đèn cá chép, đèn kéo quân luôn làm những đứa trẻ thèm thuồng. Những đầu lân, các đèn lồng nan tre phết giấy bóng kính, làm theo các hình con cá, ông sao, bánh ú. Ngoài ra còn đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn kéo quân… Rồi những con giống, làm bằng bột cắm lông gà nhuộm màu sặc sỡ, cũng là nét đặc thù của Tết Trung Thu của người Việt thời xưa.

Đèn trung thu
Đèn trung thu

Thời nay, đèn lồng đốt bằng nến được thay bằng pin với đủ màu sắc – đa dạng mẫu mã là ước ao của bọn trẻ cả tháng trời trước Tết trung thu. Đêm đến, chiếc đèn được thắp sáng lung linh bởi một chiếc nến nhỏ xinh bên trong, rạng ngời lên ánh mắt thích thú của trẻ nhỏ.

Trò chơi đêm trung thu

Múa lân cũng là một trong những trò chơi thuở thơ ấu của bao thế hệ người Việt. Đầu lân đủ cỡ, đủ loại, và hình dáng khác nhau. Múa cùng với lân là ông thổ địa bụng phệ phe phẩy cái quạt nan. Tiếng trống, tiếng hò reo, tiếng bước chân, và vũ điệu của sư tử, cứ rạo rực, cuốn hút không biết bao người. “Lòng vui sướng với đèn trong tay”, từng đoàn trẻ em đi theo chú lân, chú sư tử, tiếng trống rộn ràng để khi kết thúc đêm hội, ai cũng nuối tiếc và tự hỏi: “Bao giờ mới đến Trung Thu nữa nhỉ?”

Trung Thu

Trung thu ngày nay, trẻ con được người lớn chở đi vòng quanh phố, đi dạo công viên đông đúc người. Có lẽ vì trăng ngày nay không tròn vành vạnh như ngày xưa, hoặc bây giờ, không chỉ con nít ào ra đường để chơi Trung thu, mà cả người lớn cũng tham gia, nên Trung thu đã mất đi màu sắc vốn dĩ của nó chăng?

Nhiều người nói, cuộc sống thay đổi nhiều rồi. Trẻ em có rất nhiều thứ để chơi, thì Trung thu cũng chỉ là một ngày đặc biệt hơn những ngày khác trong năm mà thôi. Nhưng dù gì, thì những thế hệ từng được tận hưởng một mùa Trung thu đúng nghĩa của ngày xưa cũng có chút bồi hồi tiếc nuối.

Giải Đáp Việt – Tri Thức Cho Người Việt