(Tổ Quốc)- Tình yêu làng ăn sâu vào trái tim của mỗi người làm nên dòng chảy tâm thức văn hóa Việt. Đó cũng là phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống của người Việt. Mạch nguồn này như dòng suối tuôn chảy ào ạt trong thơ Trần Quang Quý. Điều này thể hiện khá rõ qua cách sử dụng một hệ thống động từ, tác động mạnh đến cảm xúc của người đọc. Những động từ này góp phần bộc lộ tình yêu làng quê riêng khác trong tập Trần Quang Quý thơ.
Nhà thơ Trần Quang Quý (ảnh TL)
Trần Quang Quý là một kẻ du ca không hề mệt mỏi. Nơi nào ông đến, đều hát lên lời tình tự rất đỗi chân tình của một trái tim riết nóng. Tình cảm ấy lặn vào máu thịt, tiềm thức của thi sĩ và lan tỏa từng ký tự. Một vốc đất thôi cũng đủ nhen lên niềm khát bỏng, cũng đủ thấy mạch máu mình hòa cùng mạch máu quê hương: Vốc nắm đất từ một miền khát cháy/ Lại thấy mình trong huyết mạch trung du (Trung du). Bưng bát cơm, nhà thơ thấy mình như bưng cả khay quê hương lên mà hít hà, nhâm nhi thưởng thức từng tí một: Bưng bát cơm mà thơm quê hương. Mùi thơm của đất, của lúa dậy lên từ thẳm sâu tình người. Miền Trung gian khổ, đất hạn chân chim, bão lũ vần vũ là thế nhưng cái vị biệt khác ấy lại làm nhức nhối lòng bao kẻ xa quê. Trần Quang Quý không sinh ra từ vùng đất khắc nghiệt này nhưng khát đến độ muốn hòa tan hơi thở, dòng máu của mình vào miền Trung: Tôi tan lẫn miền Trung một phía cuộc đời. Ở đây, động từ tan lẫn đã chuyển từ quá trình biến đổi sang quá trình hòa phối, đồng điệu cùng chung nhịp đập. Ông còn uống, cạn chén với miền Trung để được thỏa cơn say với những con người một miếng đói nghèo bạc tóc còn thơm: Tôi đã uống với miền Trung một bát/ Lúc cạn rồi mới biết là say (Đến khi nào trở lại miền Trung). Một cơn dốc lòng, trút bầu tâm sự chân thành và nồng nhiệt.
Bạn đang xem: Trần Quang Quý và nỗi quê ‘không nói bằng chiếc lưỡi của người khác’
Vẻ đẹp miên man, trùng điệp của thiên nhiên và sự mộc mạc, chân chất của người Tây Bắc làm say lòng biết bao khách lãng du. Trần Quang Quý cũng thế, mê Tây Bắc đến độ, người về mà hồn vẫn còn đeo bám: …có một viên đá cuội/ Đã mang ta găm lại núi đồi (Nhớ một chiều Tây Bắc). Động từ găm ở đây quá hay. Tây Bắc tác động mạnh đến thi sĩ, khiến thi sĩ tự nguyện găm hồn mình lại. Đó là sự tác động từ hai phía, chứ không phải là sự gượng ép, bắt buộc. Hay như nét duyên từ thuở Mai Châu mùa em thơm nếp xôi cũng xao xuyến, bâng khuâng lòng thi nhân: Buộc ta vào lúng liếng Mai Châu. Động từ buộc, động từ tác động đã biến đổi tâm hồn thi sĩ, cột thi sĩ vào nhớ nhung trước cái tình của con người nơi đây. Huế, vùng đất nổi tiếng mộng, thơ cũng khiến nhà thơ bịn rịn: Mắt em từng giọt Huế/ Rớt xuống miền ta lênh đênh (Huế). Động từ chỉ vận động di chuyển rớt xuống cũng thế, không hề cưỡng chế mà rất tự nhiên. Từng giọt mơ xứ Huế rớt xuống cõi tâm thi sĩ. Còn thi sĩ như đang thả lòng mình đón nhận hết từng giọt tình mà cô gái xứ Huế mang đến. Cả Huế và thi sĩ đều cùng tiến hành một hoạt động: hòa nhịp tình. Hoặc ở một đoạn thơ khác: Ta rót mắt em đầy Huế/ Em một ngày rót Huế say ta. Rót là động từ mang nghĩa trao nhận. Sự trao nhận giữa em-Huế và thi sĩ hoàn toàn tự nguyện, như chung dòng mê đắm của trái tim yêu. Hay một chiều ở Vàm Cống, Long Xuyên, An Giang, từng vết nhớ như ghìm nhà thơ trong lưới ký ức của hơn hai mươi năm: Long Xuyên ở một bờ, ôm ngang chiều Vàm Cống/ Ghìm ta trong thắc thỏm hoang mạc dĩ vãng (Chiều Vàm Cống). Ghìm là động từ gây khiến, nhưng ở đây đâu chỉ Vàm Cống tác động đến nhà thơ, đưa đẩy nhà thơ vào vòng luyến nhớ mà chính nhà thơ cũng đang tự nén, tự ghìm những cảm xúc đang dâng trào. Như thế, nỗi nhớ ấy tự thân đã hiện hữu và rất sống động. Ở bài thơ Sơn Tây, nhà thơ viết: các nàng giặt tôi, kì cọ tôi bằng chiều quê cổ điển/ bằng cổ tích Ba Vì…. Động từ giặt, kì cọ kết hợp với phương tiện chiều quê cổ điển, cổ tích Ba Vì là sáng tạo hay, thú vị. Ngoài cái tình mà các cô gái Sơn Tây tác động đến còn gợi biết bao nỗi niềm về quê cũ. Đấy là một sự tác động kép, xâu chuỗi thăng hoa tình đất và người. Một khổ ở bài Điệu thức Cao Bằng: Có một Cao Bằng đầy nhau trong mắt/ có một Cao Bằng rót nhau bằng men/ men nghiêng sông Bằng, men cong sông Hiến/ men cài ta dùng dằng đáy lưng ong/ đi một bước thơm mùa quả/ đi hai bước nở hoa núi…/ men buộc ta run môi đàn tính/ vẳng lời suối ngàn, điệp xa vó ngựa gió khựng lưng đèo/ tôi đi suốt buổi chiều không ra khỏi một đôi mắt lạ/ cởi suốt buổi chiều vẫn eo lưng/ Cao Bằng, cứ thế Cao Bằng… Tác giả sử dụng các động từ đầy, rót, cài, buộc, cởi… liên kết nhau, xoắn xuýt nâng cái tình giữa Cao Bằng và thi sĩ. Một không gian trập trùng vị ngọt ngào của men yêu thương mê đắm. Trần Quang Quý còn muốn nhốt Cà Mau trong ngực trái nóng hôi hổi: tôi nhốt biển Cà Mau trong ngực/ nghe ướt đầm tái sinh (Đất Mũi). Hành động nhốt thật đẹp, ấn tượng. Trái tim nhỏ nhưng chứa đựng tình yêu thật lớn lao, khao khát thật cuồng nhiệt.
Có thể nói, mỗi vùng miền nhà thơ đi qua đều được tái hiện với những vẻ đẹp riêng, đầy sóng tình và cũng đầy tính nhân văn. Những hành động như vồ vập, như nuốt chửng, như muốn độc tôn riêng mình cho thấy sự khát cháy yêu thương đang cựa quẫy hết sức mãnh liệt. Tình yêu cuộc sống ấy chính là nỗi niềm, khát vọng được giao hòa thực sự của thi sĩ.
Thơ Trần Quang Quý, tình yêu làng quê rất nổi bật. Tình cảm làng quê hiện diện qua nhiều hình ảnh: hạt lúa chín vàng, mùi rơm thơm, luống cày, bùn đất, tiếng dế, chiếc xe bò xộc xệch, vết chân trâu, bếp trấu, bồ thóc, củ khoai lùi… Nó gợi lên vẻ đẹp dân dã, bình dị của biết bao miền quê yên bình, thân thuộc. Đọc những câu thơ ấy, chúng ta đều cảm nhận như đang được sống, được buông thả lòng mình với nơi chôn nhau cắt rốn. Ở tập thơ này, Trần Quang Quý đẩy nỗi nhớ, nỗi khát ấy đến tận cùng như ông đã từng tan hòa với miền Trung yêu thương: Và sâu thẳm trong tôi một cánh đồng thiêng không mùa vụ. Tự đáy lòng mình, tình yêu ấy đã có sẵn, nảy nở. Vì đã uống no đời thôn dã nên nhà thơ mới có thể thấy sự khăng khít, gắn bó vô hình giữa mình và làng quê: Có sợi khói thắt tôi không nút buộc. Hình ảnh nhà thơ tự thắt mình bằng sợi khói lam chiều rất đẹp. Một đối tượng hữu hình nhưng lại rất có chiều sâu. Bởi, đó là bản lề của nỗi nhớ quê thổn thức từ bao đời nay. Sự neo thắt đẩy nỗi nhớ quê trở nên gần gụi hơn, bình dị hơn. Chỉ khi đặt mình ở vị trí ấy, nhà thơ mới có thể: chạm vào cổ tích làng tôi. Thắt một nỗi nhớ vô hình trong một đối tượng hữu hình, nhà thơ đã tạo một cuộc hòa nhập cao độ. Và từ cuộc hòa nhập đó, thì việc nhà thơ thấy được cái tình, nỗi niềm vắt, giắt, lót trong nỗi quê là điều tất yếu: Có những nỗi đời lót trong rơm rạ/ Có một nỗi lòng giắt một nỗi quê” (Cổ tích làng). Đâu chỉ có thế, phải thả mình sống kiệt cùng gian khổ với làng, nhà thơ mới có sự chia sẻ sâu sắc: Mồ hôi làng trằn trọc chảy sang tôi. Hành động chảy sang hết sức tự nhiên, minh chứng sự nhập cuộc cao độ giữa nhà thơ với làng. Một tình yêu chân thành khởi từ máu thịt, mồ hôi của nhà thơ. Vì thế, làng như sợi rễ bám chắc vào trái tim nhà thơ, cứ khỏa bao nỗi thương nhớ khôn nguôi: Tôi bắt đầu một nắm đất quê.
Xem thêm : Lòng nhân ái trong “Đàn gà mới nở”
Hình ảnh làng quê trong thơ Trần Quang Quý còn gắn với những con người chân lấm tay bùn, những người mẹ, người vợ tần tảo, bươn chải. Tình yêu làng nhập cuộc với tình yêu bà: Và cổ tích đêm đêm lại thì thầm ổ rạ/ Có một chân trời mọc sau những cơn ho (Bà). Nhà thơ cảm nhận mùi quê hương, mùi thơm rơm rạ tỏa hương từ câu chuyện của bà. Không chỉ thế, nhà thơ còn cảm nhận được ấm áp chân trời ấu thơ mọc lên sau những cơn ho của bà. Đâu chỉ tiếng ho mọc kí ức quê mà chiếc gậy của bà cũng thế, chiếc gậy khua dọc nhân mùi quê hương nồng hậu từ nhà này sang nhà khác: Chiếc gậy của bà khua dọc mùi hương qua nhà hàng xóm. Với mẹ, nhà thơ có cách nhìn khác. Một đời mẹ chênh chao gieo mùa, gieo hy vọng vấn víu mãi đất đai và lời ru: “Hãy cựa mình nào/ Mẹ ta gieo xuống/ Mẹ gieo vào đất một đời hy vọng/ Một đời đi mãi mà không ngoài ruộng/ Một đời ru mãi vẫn trong cánh cò” (Hát gọi hạt giống). Rồi những mùa cốm thơm đêm trăng em cũng buộc hồn thi sĩ: Tôi đi ngang qua những mùa cốm thơm thao thiết chân trời/ em đã buộc tôi từng nút thắt ký ức/ trăng hổn hển tuột đêm trinh nữ/ tiếng hát sương khuya, cánh đồng cỏ dại/ ngây ngất làn môi (Bài hát tháng Mười). Gắn hình ảnh làng quê với người quê, thơ Trần Quang Quý càng gần gũi, đong đầy tình cảm. Vị ngọt từ tấm lòng đã tỏa sáng trên vị ngọt của những ký tự.
Cuộc sống hiện đại quăng quật con người trong guồng máy thị trường đầy biến động, đầy những vấn nạn nhức nhối, đắng lòng. Nhưng truyền thống, văn hóa làng quê không bao giờ mất đi mà luôn đau đáu, da diết. Và đối với người con xa quê, nỗi nhớ ấy thêm phần riết róng. Kỷ niệm đẹp, thắm thiết nơi làng quê trở thành mầm ân tình xuyên suốt, nâng đỡ tâm hồn nhà thơ Trần Quang Quý. Những cánh đồng bát ngát mùa vàng, bát ngát mồ hôi, bát ngát bùn non đóng vào tim, thơm mãi vòm thơ của thi nhân: Làng đã đóng đinh tôi vào cánh cửa/ Mỗi ngày khép mở giữa câu thơ (Cổ tích làng). Làng đóng đinh và còn buộc thi sĩ vào giữa tâm thơ: Ngày mai có thể làng thôi khói/ Cơm tháng mười thôi ủ bếp tro/ Khi tỉnh giấc vẫn thấy làng lầm lũi trên mặt đất/ Thì ngọn khói đã là mây biếc/ Buộc tôi lên như buộc một cánh diều (Cổ tích làng).
Giữa cuộc đời đầy rẫy những chiếc lưỡi đi ra từ cái miệng dị tật, những gương mặt di cư, man trá mặt nạ… việc con người luôn thèm được trở về, khát tiếng vọng quê nhà là điều hiển nhiên. Do đó, hình ảnh làng quê không hề mất đi mà càng cháy bỏng, bám chặt, là chốn yên bình cho những cuộc trở về của tâm hồn. Hơn nữa, cuộc sống thành thị lắm nghiệt ngã, nơi lòng thiện bôi trơn trên những mũi giày, lạnh lùng, dửng dưng, lặng thinh qua phố, thì việc nhà thơ hồi tưởng về làng quê là một cách giải thoát hợp lý nhất. Những thanh âm này tuy buồn nhưng không phải là thanh âm chán chường, bế tắc mà là những thanh âm đẹp. Thanh âm buồn vực dậy những gì thanh khiết của tâm hồn.
Ở chốn ồn ã, náo nhiệt, Trần Quang Quý nghe tiếng chim mà lòng thổn thức, quặn thắt: Khát tiếng chim trong kỷ bê tông/ và lại chính tiếng chim mỗi ban mai đã làm tôi bật thức cô đơn!. Tâm thức cô đơn này là một cảm xúc còn lại và cần thiết để người nghệ sĩ chống lại sự bào mòn của lương tri, của tình người đang dần dần băng hoại khi mọi thứ đều ngả giá bằng đồng tiền. Một sự bật thức đầy chủ động, tự tin, xuất phát từ tình yêu quê nhiệt nồng và ray rứt. Vì thế, bao nỗi vất vả của làng, của người nông dân, của mẹ cha… thuở xưa vẫn như dòng máu liên nhịp sôi sục cõi lòng nhà thơ: Chạy dọc huyết quản tôi tiếng thở nặng nhọc của đường làng/ Con đường mở ra cánh đồng bằng những dấu chân bùn đất/ Lúi húi tiếng dế rộ đôi bờ cỏ/ Những gương mặt nông dân- những thỏi đồng sẫm cuối ngày/ Bóng họ như đất nâu chuyển động/ Dắt vào làng hoàng hôn (Con đường trên cánh đồng). Phải chăng khi đi qua, đi xa nỗi đời lấm lem, vất vả, chúng ta mới thấy nhớ nhung diệu vợi, trân quý vô cùng? Những âm thanh nặng trĩu mồ hôi, nước mắt, những hình ảnh thân quen, dân dã… lần lượt dần sàng giấc mơ, run lên trong ngực nhà thơ: Qua những mùa mộng mơ, qua mỗi đời cực nhọc/ Còn nghe mảnh sân đêm trĩu nặng dần sàng/ Tiếng thở rạ rơm mùa gặt/ Tóc ai bồ kết gội tiếng gà khuya/ Những hạt thóc trò chuyện với nong nia, gạn từng đêm lép/ Những luống cày úp vội cơn mơ trên cánh đồng chưa kịp sáng (Đường trăng). Nỗi thèm khát quê đôi khi được nhen lên từ hương vị mộc mạc của những trái sim: Nào chú bé, ta đâu khát thèm vài trái sim/ ta đang mua tuổi thơ ta bằng những đồng bạc lẻ/ những trái sim – những giọt mồ hôi biến thể/ cất từ máu đất/ đang chảy ngoài Mũi Đao (Buổi trưa ở Mũi Đao). Nhà thơ đâu mua sim mà đang mua tuổi thơ, mua hồn làng đó thôi. Tình quê hương còn hiển hiện từ điệu gắp, đan của bầy sẻ nhỏ: Chiếc mỏ tí hon gắp những giọt sương, hơi thở của đêm ngưng giọt/ chúng đan cả bầu trời, từng sợi bình minh, từng mũi chỉ hoàng hôn thành tổ ấm/ hạnh phúc lót bằng đời rơm rạ/ những mảnh hồn dân dã thắp lên cánh vỗ những chân trời (Gọi sẻ). Chính cái gốc rễ chân tình, mộc mạc, dân dã ấy của làng quê đã vin ông đứng dậy giữa bão bùng thế cuộc: Thói đời dễ ngoảnh mặt đi/ Ta về thúng mủng đựng khi đói lòng (Người quê). Cuộc sống đói nghèo nhưng tâm hồn ấp áp, chứa chan tình.
Như vậy, chúng ta thấy những từ ngữ đào sâu tận cùng bản ngã, tận cùng yêu thương, nhung nhớ dành cho quê thường là các động từ độc lập, chỉ hoạt động và trạng thái của chủ thể (như: găm, buộc, giặt, rót, đóng, vắt, giắt, lót…). Đây là một điều khá thú vị. Các động từ đan dệt thành những lớp sóng ngầm khát bỏng yêu thương, tha thiết và mặn mà. Nhờ đó, tình yêu quê, nỗi quê đâu chỉ đơn thuần là vùng kí ức tĩnh của cảm xúc mà nó luôn thổn thức, réo rắt, quẫy cựa, giúp chúng ta nhận ra, cái tình quê của thi sĩ không bao giờ bị mất đi, không ngủ yên mà luôn trong tâm thế vận động, trào dâng, cháy bỏng và tươi ròng. Khi nhà thơ gọi tên là trói, là buộc, là thắt... thì tất cả đều bắt đầu từ sự tự nguyện, tận hiến hết sức trìu mến. Mặt khác, tần suất động từ dày đặc như chà đi xát lại khiến nỗi quê dâng cao thêm. Loang chảy sang không gian khác, đối mặt với đời sống mới, đời sống đô thị với những mặt nạ, những chiếc lưỡi hình thớt, tình yêu làng quê vẫn thăm thẳm, rực cháy cõi lòng.
Xem thêm : Máng Trượt Thoát Hiểm Nhà Cao Tầng Khi Gặp Sự Cố Hỏa Hoạn
Là thi sĩ, việc khẳng định dấu ấn, phong cách, nét riêng của mình trong vũ trụ thơ không dễ. Nếu thiếu đi tính thơ cũng như sự tinh tế, khác lạ về ngôn từ, sản phẩm làm ra sớm èo uột, lãng quên. Hơn 6 tập từ năm 1990 đến nay, thơ Trần Quang Quý đã khẳng định được chỗ đứng, nét độc đáo đối với bạn đọc. Ông gieo thơ trên cánh đồng ngôn từ vừa mượt mà, sâu lắng vừa sắc sảo, tinh tế. Chỉ riêng tập Trần Quang Quý thơ đã cho thấy một kết quả của quá trình không ngừng nhen lửa, chưng cất men nồng, nghiệm chứng cuộc đời. Với một lớp lang động từ độc lập, Trần Quang Quý đã tạo nên mạch nguồn, tâm thức làng quê vừa mạnh mẽ vừa biệt lạ. Có thể nói, ở thể tài nằm lòng, quen thuộc này, thơ ông cũng không nói bằng chiếc lưỡi của người khác.
Hoàng Thụy Anh
Trần Quang Quý thơ, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.
(1) Lê Biên, Từ loại tiếng Việt hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 1995.
(2) Diệp Quang Ban, Hoàng Văn Thung, Ngữ pháp tiếng Việt (tập 1, 2), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1998.
Nguồn: Giaidapviet.com
Danh mục: Khám Phá