‘Vầng trăng máu’: Mũi khoan của Martin Scorsese vào vết nhơ lịch sử Mỹ

thumbnail_giaidapviet
Rate this post

Vầng trăng máu (tựa gốc: Killers of the Flower Moon) là bộ phim thứ 26 trong sự nghiệp điện ảnh vẻ vang kéo dài hơn 5 thập kỷ của Martin Scorsese, người được ca ngợi là “Nhà làm phim còn sống vĩ đại nhất thế giới”. Tác phẩm được lấy cảm hứng trực tiếp từ quyển sách phi hư cấu Killers of the Flower Moon: The Osage Murders and the Birth of the FBI của David Grann, thuật lại một trong những vụ thảm sát chấn động miền Tây nước Mỹ những năm 1920 mà nạn nhân là một trong những bộ tộc thổ dân giàu có nhất thời bấy giờ, những người Osage.

Vầng trăng máu là một tác phẩm điện ảnh bi tráng dựa trên những sự kiện có thật. Bị chính phủ Mỹ buộc rời khỏi vùng đất của tổ tiên sau cuộc nội chiến, tộc người Osage phải ly hương và định cư trên một vùng đất khô cằn thiếu sức sống. Nhưng rồi họ tìm ra dầu mỏ, thứ nhiên liệu được xem như “vàng đen” có sức ảnh hưởng đến nền công nghiệp, thương mại trên toàn cầu. Cơn sốt dầu mỏ nhanh chóng đưa người Osage trở thành những cư dân giàu có nhất thế giới. Khu vực làng định cư của người Osage thuộc bang Oklahama bỗng chốc trở nên phồn vinh, họ thì trở thành quý tộc, có người hầu hạ, xe hơi và mọi xa xỉ phẩm thời bấy giờ.

Ngay từ đầu phim, đạo diễn Martin Scorsese đã mang đến cho người xem một khoảnh khắc mang tính “điềm báo” bi tráng và choáng ngợp. Khung hình “slow-motion” bắt trọn khoảnh khắc nhóm người Osage phát hiện ra dầu mỏ. Dòng “vàng đen” phun lên từ mặt đất và bao trùm lên nhóm đàn ông Osage vui say ca hát, nhảy múa. Thứ chất lỏng nhớp nhúa đó là phước lành, nhưng cũng là tín hiệu từ tử thần, báo trước về vận mệnh thảm khốc của dân tộc họ.

Khi mảnh đất định cư của người Osage thu hút những mũi khoan dầu đổ về từ khắp nước Mỹ, nó hiển nhiên cũng trở thành miếng bánh ngon của những tay “cáo già” khát tiền. Người da trắng sấn tới để kinh doanh, kiếm chác, lừa lọc, kết giao với người bản địa, kết hôn với những cô gái da đỏ. Ngoài mặt, họ tỏ vẻ trân trọng, quý mến nhưng vẫn ngấm ngầm đồng hóa người da đỏ bằng nhiều hình thức tinh vi. Một xã hội trắng đen nhập nhoạng thành hình, được ngụy trang hoàn hảo bởi lớp áo bóng bẩy của chủ nghĩa tư bản và cái mác “văn minh”.

Vũ điệu của bầy sói

Câu chuyện trong Vầng trăng máu tập trung vào gia đình của Ernest (Leonardo DiCaprio) – một gã da trắng nhu nhược và cô gái da đỏ giàu có Mollie (Lily Gladsotone). Trở về từ Thế chiến thứ nhất, Ernest được ông chú giàu sụ William Hale (Robert De Niro) giang tay chào đón và thuê chạy việc vặt. Vốn hơi bất tài và cũng biếng nhác nên Ernest vui vẻ sống đời “ký sinh”. William Hale được cư dân trong vùng trọng vọng như một người bảo trợ, gọi là “ông vua của vùng đồi Osage”.

Nhận thấy các món hời hấp dẫn từ những cuộc hôn nhân da trắng – da đỏ trong vùng, William Hale đốc thúc cháu trai “cưa cẩm” Mollie. Họ nảy sinh tình cảm thật và nên duyên vợ chồng. Cuộc hôn nhân của họ diễn ra khá êm đềm, cho đến khi hàng loạt người Osage qua đời một cách bí ẩn, có người chết vì bệnh tật, người thì tự sát, người lại bị sát hại dã man nhưng không rõ thủ phạm. Nỗi sợ hãi và đớn đau tột cùng len lỏi vào gia đình Mollie khi mẹ, em gái của cô lần lượt qua đời. Vốn mang sẵn trong mình căn bệnh tiểu đường, Mollie ngày càng suy sụp và bệ rạc, thần trí hoảng loạn khi liên tục hứng chịu nỗi đau mất người thân.

Vầng trăng máu chọn khắc họa khá sâu mối quan hệ giữa những người phụ nữ Osage da đỏ và đàn ông da trắng. Tình yêu giữa Ernest và Mollie là thành thật nhưng bị chi phối và vấy bẩn bởi những bí mật, vụ lợi, mâu thuẫn sắc tộc.

Martin Scorsese mang đến phong cách kể chuyện đặc biệt khi ngay từ đầu phim, ông đã tiết lộ rõ ai là sói, ai là cừu trong trò chơi sinh tử. Vị đạo diễn kỳ cựu không chọn lối kể chuyện dẫn dụ khán giả bằng cách gieo câu hỏi “Ai là thủ phạm?” để rồi giải đáp ở cuối phim. Vầng trăng máu là một tác phẩm được kể theo lối “slow-burn” (đốt chậm), từ tốn, điềm tĩnh dù cứ mỗi 15 phút thì phim lại mở ra một sự vụ chết người. Kinh hoàng hơn cả, thủ phạm ở đây không còn là một ai đó mà là cả một hệ thống, một thiết chế xã hội. Sói đi thành bầy, chúng len lỏi khắp nơi với những thủ đoạn giết cừu táng tận lương tâm. Cuộc tàn sát và tận diệt bầy cừu cứ thế diễn ra ngấm ngầm.

So với nguyên tác Killers of the Flower Moon: The Osage Murders and the Birth of the FBI, Martin Scorsese cùng các cộng sự của mình đã có nhiều sự thay đổi và lựa chọn góc độ khai thác câu chuyện khác biệt. Ông gạn lược tuyến truyện về sự ra đời, cuộc điều tra và trách nhiệm của Cục Điều tra liên bang (FBI) trong vụ thảm án Osage, tập trung vào quá trình “tội ác sinh sôi” nhiều hơn là quá trình “xử lý tội ác”. Và với Martin Scorsese, những kẻ trực tiếp xuống tay hẳn nhiên là kẻ thủ ác nhưng những kẻ vô tri trông có vẻ không làm gì cũng là hiện thân của cái ác.

Có lẽ đó là lý do ông đưa Ernest – một nhân vật khá mờ nhạt trong nguyên tác trở thành trung tâm câu chuyện. Gã hiện lên thật tầm thường, cũng có vài phẩm chất tốt, biết yêu thương gia đình vợ con nhưng lại ngu xuẩn, nhu nhược và đớn hèn đến mức bị người ác, cái ác tha hóa một cách hết sức dễ dàng. Ernest là một con rối trong tay ông chú xảo trá, hiểm ác William Hale, bị thao túng tuyệt đối và hoàn toàn không có ý niệm về sự phản kháng. Chính sự im lặng và đồng lõa của Ernest trong những âm mưu tinh vi của chú mình đã đẩy Mollie và chính gia đình nhỏ của hắn vào bi kịch.

Với Vầng trăng máu, Martin Scorsese tiếp tục chứng tỏ ông là bậc thầy trong việc miêu tả cái ác, một người thợ xây lão luyện trong việc bồi đắp, gầy dựng nỗi hoang mang. Biệt tài này vốn đã được thể hiện rất rõ qua các tác phẩm kinh điển trước đây của ông như: Taxi driver, Shutter Island, The Irishman…

Bộ phim của những bậc kỳ tài

Thời nay, 260 phút là thời lượng có vẻ “quá hớp” cho một bộ phim điện ảnh thông thường. Vầng trăng máu quả thật có thách thức sự tập trung và tính kiên nhẫn của người xem nhưng bù lại, bộ phim đã chiêu đãi khán giả những gì tinh túy nhất của một tác phẩm điện ảnh. Martin Scorsese cùng các cộng sự thực hiện Vầng trăng máu như thể ông đang khôi phục lớp trầm tích lịch sử, khoan sâu vào lòng đất, từ tốn phủi bụi thời gian để làm hiển lộ những phần dường như bị lãng quên, để truy vấn đến tận cùng lương tâm con người. Mà theo lẽ hiển nhiên, công việc tinh vi này không thể vội vàng, đốp chát mà nên chuyện.

Có thể nói, đẳng cấp của Vầng trăng máu được định hình nhờ sự hợp lực và phối hợp đến nhuần nhuyễn của những bậc kỳ tài. Điện ảnh đi về đúng với bản chất của nó – một bộ môn nghệ thuật của sự tổng hòa, của tinh thần tập thể. Cùng với biên kịch Eric Roth, người đã 6 lần nhận đề cử Oscar, Martin Scorsese đã làm nên một kịch bản chắc tay, lôi cuốn và thể hiện rất rõ thái độ, nhận thức của một nghệ sĩ lớn khi đứng trước lịch sử. Sự tôn trọng dành cho tộc người Osage và văn hóa bản địa cũng được thể hiện rõ qua cách mà đoàn phim dụng tâm cho phục trang, kiểu tóc, những đại cảnh phức tạp mô tả đời sống tinh thần của người Osage (ma chay, cưới hỏi, cầu nguyện…).

Phần hình ảnh của Vầng trăng máu mãn nhãn, chặt chẽ, sống động trong từng cú máy và chân thực từ những đại cảnh trác tuyệt cho đến những khung hình cận đầy tính riêng tư. Điều này có công lớn của nhà quay phim người Mexico Rodrigo Prieto, người từng ba lần được đề cử Oscar quay phim xuất sắc nhất với Brokeback mountain (2005) và Silence (2016), The Irishman (2019). Tiết tấu phim được duy trì một cách hợp lý khi Scorsese làm việc cùng Thelma Schoonmaker, một đồng nghiệp nữ dựng phim kỳ cựu năm nay đã 83 tuổi đã cộng tác với ông suốt 5 thập kỷ. Song, cảm xúc mà khán giả thụ hưởng khi xem Vầng trăng máu càng tăng thêm với phần âm nhạc bi tráng, đậm đà màu sắc bản địa được sáng tác bởi nhà soạn nhạc có tiếng Robbie Robertson.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến màn phối hợp diễn xuất đỉnh cao của những diễn viên thực lực trong phim. Nhân tố “ăn khách” nhất phim – tài tử Leonardo DiCaprio tiếp tục khiến giới mộ điệu điện ảnh phải xuýt xoa khi hóa thân hoàn hảo thành gã đàn ông đớn hèn Ernest. Nhiều năm qua, Leonardo DiCaprio vẫn là “chàng thơ” của Martin Scorsese, hợp tác vô cùng ăn ý. Với Vầng trăng máu, anh còn sát cánh bên Martin Scorsese ở vai trò nhà sản xuất. Trong phim, Leonardo DiCaprio rũ sạch thần thái vạn người mê của một ngôi sao để khoác lên dáng vẻ “méo mó”, rụt rè, của một gã đàn ông tầm thường, ngu đần và nhu nhược, sở hữu cuộc đời “chẳng có gì ngoài nỗi hối hận”.

Ở thái cực đối lập, Vầng trăng máu có William Hale – một kẻ phản diện toàn tập, là hiện thân trọn vẹn của cái ác và lòng tham. Tài tử kỳ cựu Robert De Niro đã thể hiện không thể hoàn hảo hơn hình tượng của một ngụy quân tử với vẻ ngoài đĩnh đạc, miệng toàn thốt ra lời hay ý đẹp nhưng thực chất lại là kẻ thao túng ranh mãnh, tàn độc nhất. Sự điềm tĩnh và thản nhiên của gã khi toan tính giết người, trục lợi khiến người xem phải run sợ. Ngay cả khi lọt lưới Cục Điều tra liên bang, William Hale vẫn không hề tỏ ra nao núng hay sợ sệt.

Nữ chính của Vầng trăng máu – Lily Gladstone trong vai Mollie gây bất ngờ với lối diễn xuất tiết chế nhưng vẫn chạm đến những tầng cảm xúc sâu nhất nơi khán giả. Cô sở hữu vẻ đẹp đặc trưng của phụ nữ da đỏ, tạng người đẫy đà, nước da rám nắng, khuôn mặt tròn đầy cùng mái tóc dài mượt mà. Nhân vật không có quá nhiều thoại nên Lily Gladstone chủ yếu diễn bằng ánh mắt. Và đôi mắt từ tinh anh, lúng liếng dần chuyển sang trũng sâu và thất thần sau hàng tá bi kịch của nàng thực sự ghi sâu vào tâm trí người xem. Mollie là một nhân vật đại diện cho cộng đồng Osage, người phụ nữ ấy là hiện thân của nỗi đau, sự héo mòn tan hoang của một dân tộc bị bòn rút và hủy hoại từ bên trong. Nhưng nhìn sâu vào Mollie, người xem vẫn nhìn thấy sự kiên cường và kiêu hãnh của người Osage, sẽ mãi trăn trở về họ khi nhớ về lời kêu cứu bằng chút hơi tàn của nàng trước chính quyền Mỹ.

Vầng trăng máu thực sự xứng đáng là một tuyệt tác của điện ảnh thế giới. Ở tuổi 80, Martin Scorsese khiến người ta phải ngưỡng mộ khi vẫn có thể cho ra đời một tác phẩm tầm vóc với tất cả sự tôn trọng và thấu đáo dành cho những con người đã đi qua thảm kịch. Nhà làm phim đại tài đã đưa vào lòng sâu lịch sử một mũi khoan rất bén, rất quyết liệt để “khai quật” ra một tác phẩm giá trị như vàng ròng. Nhưng không để than van, lấy nước mắt hay tôn thờ bất cứ ai, bất cứ sự lựa chọn nào, chỉ đơn thuần: Có những câu chuyện cần thiết phải được kể và có những số phận không nên bị lãng quên. Và những thành quả vĩ đại, tráng lệ của lịch sử được kể lại, đôi khi đã được lược bỏ đi phần bi kịch.