Hai cách hiểu về một bài thơ ngắn

thumbnail_giaidapviet
Rate this post

Thơ đương đại Việt Nam đang cố gắng đổi mới cả về nội dung và hình thức để có thể tiếp vận được với thơ khu vực và thế giới. Thơ ngày càng ngắn hơn, kiệm chữ, kiệm lời. Nhưng nội hàm trong thơ lại được dồn nén một cách tối đa. Sức khái quát cao hơn. Đặc biệt thơ hiện đại cần sự đa dạng về hình thức và đa nghĩa về nội dung. Nhà thơ chỉ nêu vấn đề, gợi mở những thông điệp, giúp bạn đọc tự tìm ra những ẩn số.

Một bài thơ hiện đại có thể được giải mã theo nhiều cách khác nhau

Tùy theo khả năng và sự cảm nhận của bạn đọc. Tôi xin nêu một ví dụ để bạn đọc tham khảo, từ một bài thơ nổi tiếng của nhà cách tân thơ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Lương Ngọc (1958 – 2001):

GỌI HẠC

Con cắt trắng
Xếp cánh
Khi gặp con khướu vàng.

Con khướu vàng
Khép mỏ khi gặp con hạc đỏ.

Con hạc đỏ
Nức nở…
Nhìn Con hạc trắng.

Hạc trắng! Hạc trắng!
Những con đã sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh ra

Nguyễn Lương Ngọc

Cách hiểu thứ nhất: Cuộc so tài của các loài chim

Tạm gọi là phân tích bài thơ này theo hình chiếu phẳng, theo bề nổi hình tượng và ngôn ngữ thơ. Hình như tác giả muốn dẫn bạn đọc vào một cuộc so tài của các loài chim: Chim cắt, chim khướu, chim hạc. Một cuộc so tài rất khập khiễng, rất khó hiểu, có vẻ như tình nguyện, nhưng lại có kết quả rất rõ ràng: Chim cắt trắng, với sở trường là bay nhanh đúng như người đời thường ca ngợi: “Nhanh như cắt” đã vội vàng “xếp cánh” xin thua con khướu vàng với sở trường là giọng hót, đúng như câu “Hót hay như khướu”. Đến lượt con khướu vàng, với giọng hót tuyệt vời của mình đã phải “khép mỏ”, xin chịu thua con hạc đỏ – một loài chim thanh cao nhờ kiểu dáng và bộ lông màu đỏ rực rỡ. Nhưng hạc đỏ cũng chưa phải là “hoa hậu” của cuộc thi này vì còn có loài hạc trắng xinh đẹp hơn: “Con hạc đỏ/Nức nở/Nhìn con hạc trắng”. Và bài thơ kết thúc thật bất ngờ: những con hạc trắng không còn trên cõi đời này nữa.

Thông điệp của bài thơ được giải mã từ nhiều phía, tùy theo nhận thức và sự đồng cảm của bạn đọc. Nó nhắc ta nhớ tới bài đồng dao: “Sáo sậu là cậu sáo đen/Sáo đen là em tu hú/Tu hú là chú bồ các/Bồ các là bác chim di/Chim di là di sáo sậu…”. Từ cách hiểu thứ nhất này, phải chăng nhà thơ muốn gửi một thông điệp: “Trong tự nhiên, cũng như trong cuộc đời này không có điều gì là toàn năng. Vạn vật sinh khắc lẫn nhau. Người giỏi ở lĩnh vực này vẫn có thể chào thua ở lĩnh vực khác”. Và các tài năng, các đỉnh cao tôn trọng lẫn nhau, góp phần tạo nên sự đa sắc đa thanh của cuộc sống.

Cách hiểu thứ hai: Sự khập khiễng, vô lý trong cuộc đua tài

Bây giờ chúng ta thử phản biện lại những điều mà tác giả đã trình bày trong bài thơ này, để tìm ra sự khập khiễng, vô lý trong cuộc đua tài giữa các loài chim. Con chim cắt trắng bay nhanh tại sao lại phải chịu thua “xếp cánh” không bay nữa trước con chim khướu vàng, với sở trường là giọng hót hay như khướu? Con khướu vàng hót hay, nói giỏi tại sao lại phải im tiếng “khép mỏ” trước con hạc đỏ? Chim hạc được đánh giá cao ở dáng hình, tư cách, ở bộ lông chứ đâu phải giọng hót? Đến lượt con hạc đỏ khi nhìn thấy con hạc trắng thì lại phải khóc “nức nở”, vì sao vậy? Cùng là chim hạc với nhau, có chăng chỉ khác màu sắc của bộ lông, cơn cớ chi mà phải đau lòng đến thế?..

Chìa khóa tư tưởng của bài thơ nằm ở hai câu kết, hóa ra hạc trắng
Những con đã sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh ra

Tôi đồ rằng, tác giả mượn chuyện thi chim để cảnh báo về sự lộn xộn, rối loạn tiêu chí trong việc đánh giá, so sánh những cá thể sống trên hành tinh này. Thêm nữa, tác giả cũng cho rằng sự tuyệt hảo trong tự nhiên bây giờ không còn nữa, hoặc là chưa xuất hiện. Từ đó gửi đi một thông điệp: bao giờ thì những con Hạc Trắng, nữ hoàng của các loài chim sẽ trở lại trên hành tinh của chúng ta, khi trái đất đang tiếp tục bị tàn phá dữ dội! Hạc trắng Hạc trắng Hạc trắng
Những con đã sinh ra thì đã chết
Những con chưa chết thì chưa sinh ra…

Từ chuyện thi tài của các loài chim, dẫn dụ bạn đọc đến vẻ đẹp muôn màu của đời sống, đến sự khiêm nhường tôn trọng tài năng của nhau. Sau đó thì xa xăm nhắc nhở về sự biến mất của các giá trị tuyệt vời khác trong tự nhiên, trong đời sống. Không chỉ là nhắc nhau bảo vệ môi trường trái đất mà còn là biết bảo vệ những con “hạc trắng” trong tâm hồn, trong thơ ca, trong đời sống riêng biệt của mỗi người. Hiếm có được những thi phẩm thâm trầm và sâu sắc như thế. Tiếc rằng nhà cách tân thơ Nguyễn Lương Ngọc ra đi quá sớm! Nhưng ông vẫn kịp dâng tặng cho cuộc đời những thi phẩm đặc sắc, dị biệt. Một chân dung thơ không thể nhòa lẫn trong nền thơ ca Việt Nam đương đại.

Đọc thêm tại Giải Đáp Việt – Tri Thức Cho Người Việt